Các nguồn năng lượng sạch tại Việt Nam

14/04/2020 0 By solazonevietnam
Năng lượng sạch là nguồn năng lượng được sản xuất trên cơ sở chuyển hóa từ các nguồn năng lượng sơ cấp tái tạo, ít tác động tiêu cực đến môi trường như: thủy năng, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thủy triều, nhiên liệu sinh học…

Năng lượng sạch cũng là năng lượng được sản xuất, cung cấp từ các nguồn năng lượng sơ cấp hóa thạch (than đá, sản phẩm dầu, khí đốt) và hạt nhân trên cơ sở sử dụng công nghệ chuyển hóa năng lượng là công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường với quá trình sản xuất, cung cấp năng lượng thực hiện nghiêm ngặt tuân thủ các quy định về môi trường.

Trong nhiều năm trở lại đây, năng lượng sạch được đầu tư nghiên cứu và khuyến khích sử dụng trên toàn thế giới nhằm giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, giảm ô nhiễm môi trường và được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế sự nóng lên của trái đất.

Năng lượng sạch có tốc độ tăng trưởng mạnh hàng năm. Tăng nhanh nhất là điện mặt trời, điện năng phát ra tăng bình quân hằng năm từ pin mặt trời là 60% và từ các nhà máy điện tập trung nhiệt mặt trời là 43%, kế đến là điện gió 25% và nhiên liệu sinh học tăng 17% mỗi năm. Những quốc gia đi đầu và có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao là các nước thuộc châu Âu và Mỹ.

Việt Nam có tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng sạch

Việt Nam là nước có tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng sạch nhờ có vị trí địa lý, địa hình, khí hậu thuận lợi đối với nhiều ngành như: thủy điện, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng mặt trời, thủy triều…

Năng lượng mặt trời: Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời, đặc biệt ở các vùng miền trung và miền nam của đất nước với ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE. Nguồn năng lượng này có thể khai thác để sản xuất điện và cung cấp nhiệt… Tại nước ta, công nghệ này được sử dụng nhiều ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Năng lượng nước

Việc sử dụng nước từ sông suối chính là một nguồn năng lượng sạch được ứng dụng nhiều nhất ở nước ta. Thủy điện dựa vào sức nước ở các con sông lớn để làm quay tua bin sinh ra điện. Ngoài ra, nguồn năng lượng từ đại dương cũng vô cùng phong phú. Sóng và thủy triều được sử dụng để quay các turbin phát điện. Nguồn điện sản xuất ra có thể dùng trực tiếp cho các thiết bị đang vận hành trên biển. Như hải đăng, phao, cầu cảng, hệ thống hoa tiêu dẫn đường…

Năng lượng gió

Năng lượng gió được coi là nguồn năng lượng xanh dồi dào và phong phú nhất hiện nay, nó có mặt ở mọi nơi. Người ta sử dụng sức gió để quay các tua bin phát điện để sử dụng trong cuộc sống. Hiện nay tại Việt Nam, với điều kiện địa lý thuận lợi bờ biển dài, lượng gió nhiều và phân bổ đều quanh năm. Đây sẽ là một dạng năng lượng được chú trọng phát triển ở hiện tại và tương lai.

Năng lượng sinh khối

Với đặc điểm là một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có nguồn sinh khối lớn và đa dạng từ gỗ củi, trấu, bã cà phê, rơm rạ và bã mía với gần 60 triệu tấn sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp, trong đó 40% được sử dụng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho hộ gia đình và sản xuất điện. Ngoài ra còn có các nguồn sinh khối khác bao gồm sản phẩm từ gỗ, chất thải đô thị và chất thải gia súc.

Pin nhiên liệu

Pin nhiên liệu là kỹ thuật có thể cung cấp năng lượng cho con người mà không phát ra khí thải CO2 hay bất kỳ loại khí độc nào khác. Pin nhiên liệu sản sinh điện năng trực tiếp bằng phản ứng giữa hydro và oxy hay methanol và oxy. Trong đó hydro xuất hiện ở các nguồn khí thiên nhiên và metanol lấy từ chất thải sinh vậy và do không bị đốt cháy nên chúng không phát ra các khí thải độc hại.

Năng lượng địa nhiệt

Tại nước ta, việc nghiên cứu nguồn năng lượng địa nhiệt được bắt đầu từ những năm 80-90 của thế kỷ XX và đã điều tra, đánh giá sơ bộ tiềm năng của các nguồn địa nhiệt trên cả nước. Tuy nhiên đến nay, nguồn năng lượng này vẫn chưa được khai thác.

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cac-nguon-nang-luong-sach-tai-viet-nam-569334.html